Tin tức

Hội thảo Khoa học “Ứng dụng các quy trình công nghệ và các chế phẩm có hoạt tính sinh học để nuôi tôm và sản xuất hữu cơ”

.
Ngày 26/10/2017, tại Trường Đại học Trà Vinh đã long trọng khai mạc Hội thảo Khoa học về “Ứng dụng các quy trình công nghệ và các chế phẩm có hoạt tính sinh học để nuôi tôm và sản xuất hữu cơ” do Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Trà Vinh và Trường Đại học Trà Vinh tổ chức.

Hội thảo thu hút trên 200 đại biểu, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các Sở Khoa học và Công nghệ trong vùng Đồng bằng Sông Cửu long, các hộ nông dân và sinh viên theo học chuyên ngành có liên quan quan tâm tham dự.
travinh.1
Toàn cảnh Hội trường Đại học Trà Vinh
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TSKH.Nguyễn Đình Công – Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đánh giá cao những tiềm năng và lợi thế mà Trà Vinh đang sở hữu, nhắc đến chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 4 đến Trà Vinh, Giáo sư Công một lần nữa tái khẳng định chủ trương đúng đắn mà Thủ tướng đã định hướng cho Trà Vinh: “Nông nghiệp là trọng tâm then chốt để Trà Vinh vươn lên, do đó địa phương cần phải tiếp tục tìm tòi những ứng dụng mới, nghiên cứu mới, vạch ra lộ trình và bước đi thích hợp để có kế hoạch phát triển hơn nữa trong tương lai. Riêng về con tôm, Trà Vinh cần phải phát triển quy hoạch, thâm canh, tăng vụ, đúng với tiềm năng sẵn có để có thể cùng với các địa phương lân cận như Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau trở thành vùng chuyên canh về tôm đi đầu trong xuất khẩu”. Đồng thời nhấn mạnh Viện Hàn lâm KHCNVN thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng và triển khai công nghệ bằng 4 chương trình KHCN hợp tác với bộ, ngành địa phương và doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
travinh.2
GS.TSKH. Nguyễn Đình Công – Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN phát biểu khai mạc Hội thảo
Đến dự và phát biểu chào mừng, ông Đồng Văn Lâm, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh nhấn mạnh: Đối với tỉnh Trà Vinh, lãnh đạo Tỉnh sẽ luôn đồng hành cùng các nhà khoa học, luôn tạo điều kiện về mọi mặt để ngành khoa học và công nghệ phát triển một cách tốt nhất, đồng bộ, bền vững và hiện đại. Ông cũng bày tỏ mong muốn, thông qua Hội thảo này, lắng nghe được những tiếng nói của các nhà khoa học có chuyên môn, có trình độ, để từ đây tạo nên những đòn bẩy có tính thuyết phục trong việc triển khai, hiện thực hóa những nghiên cứu đến với thực tế của tỉnh. Với kỳ vọng đó, ông cũng yêu cầu các cán bộ quản lý của tỉnh có thái độ nghiêm túc, cầu thị với tinh thần học hỏi để tìm được những ứng dụng hữu ích và phù hợp với bối cảnh cũng như tiềm lực địa phương.
travinh.3
Ông Đồng Văn Lâm – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh phát biểu chào mừng
Tại Hội thảo, có 7 bài tham luận được trình bày nhằm giải quyết các vấn đề nóng trong nuôi tôm, sản xuất hữu cơ hiện nay: Các giải pháp sử dụng chế phẩm vi sinh vật trong xử lý môi trường nuôi tôm; Giải pháp nuôi tôm bền vững; Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng không sử dụng kháng sinh và hoá chất; Ứng dụng công nghệ nano trong trồng trọt và nuôi trồng thuỷ sản; Cụm công nghệ và chế phẩm sinh học để sản xuất hữu cơ; Đánh giá khả năng ứng dụng thiên địch và dịch trích thực vật để phòng trừ bọ vòi voi hại dừa tại Trà Vinh; Báo cáo tổng quan ngành nuôi trồng thuỷ sản, sản xuất hữu cơ tỉnh Trà Vinh. Căn cứ theo vấn đề đưa ra, Hội thảo chia thành 2 phiên thảo luận. Phiên 1: Các giải pháp khoa học và công nghệ trong nuôi tôm bền vững. Phiên 2: Các giải pháp khoa học và công nghệ trong trồng trọt.
Trong phiên thảo luận thứ nhất, sau khi lắng nghe báo cáo tổng quan về ngành nuôi trồng thủy sản, sản xuất hữu cơ tỉnh Trà Vinh, các đại biểu được giới thiệu về 3 nhóm giải pháp cho nuôi tôm bền vững đến từ Viện Công nghệ sinh học, Viện Công nghệ hóa học và Viện Sinh học nhiệt đới. Các nhóm giải pháp có sự khác biệt, nhưng chung quy đều hướng đến một mục đích chung: Nuôi tôm bền vững là sự phát triển có thể đáp ứng được nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng đến thế hệ tương lai, mang đến hiệu quả kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.
Trong phiên thảo luận thứ hai, các nhà khoa học đưa ra vấn đề về chế phẩm sinh học và ứng dụng công nghệ nano trong sản xuất hữu cơ và nuôi trồng thủy sản. Đây đều là những hướng nghiên cứu mới ở nước ta, trong đó, PGS.TS. Đặng Thị Cẩm Hà là nhà khoa học nữ có bề dày kinh nghiệm cả trong nghiên cứu lẫn thực tiễn, bà chia sẻ: “Những lợi ích trước mắt và lâu dài khi sử dụng cụm công nghệ sinh học, cũng như cách tiếp cận mà doanh nghiệp và cơ quan quản lý địa phương tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có thể thực hiện để có được các công nghệ lõi và chuỗi công nghệ cùng chế phẩm đi kèm”. Báo cáo của bà nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp quản lý tại địa phương và các vùng phụ cận.
Báo cáo cuối cùng của PGS.TS.Hoàng Anh Sơn về Ứng dụng công nghệ nano trong trồng trọt và nuôi trồng thủy sản. Theo Ông, trong giai đoạn ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp của việc biến đổi khí hậu, các xung đột địa chính trị có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến “an ninh lương thực” của mỗi quốc gia, sản xuất lương thực nói chung, sản xuất ngô nói riêng cần phải có sự chủ động về giống, trình độ khoa học công nghệ và kỹ thuật sản xuất. Và công nghệ nano chính là chìa khoá giúp giải bài toán tăng năng suất của cây ngô.
travinh.5
Chủ trì thảo luận: GS.TSKH. Nguyễn Đình Công, PGS.TS. Phan Tiến Dũng, TS. Nguyễn Thiện Nghĩa
Phát biểu bế mạc Hội thảo, GS.TSKH.Nguyễn Đình Công đánh giá cao những tham luận trong Hội thảo, đồng thời bày tỏ vui mừng vì cán bộ quản lý các cấp của tỉnh Trà Vinh nói riêng, và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, rất quan tâm, chú trọng đến đẩy mạnh sự phát triển của khoa học kỹ thuật, song hành cùng với những bước tiến của địa phương, Giáo sư nhận định: “Hội thảo lần này là cơ hội để chúng ta cùng tham gia, thảo luận và đưa ra những phương pháp nhằm cung cấp thông tin khoa học và công nghệ, tạo diễn đàn cho các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động nghiên cứu và chuyển giao khoa học, công nghệ”.
travinh.4
Các đại biểu, các vị khách quý chụp ảnh kỷ niệm kết thúc Hội thảo
Đồng quan điểm với GS. Công, TS. Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Giám đốc phụ trách Sở Khoa học và Công nghệ Trà Vinh gửi lời cảm ơn đến các diễn giả đã có những báo cáo thiết thực và đi sâu phân tích thực tế, không những giúp Sở Khoa học và Công nghệ Trà Vinh có được những luận cứ khoa học ban đầu, mà còn cung cấp rất nhiều giải pháp cho nuôi tôm, sản xuất hữu cơ bền vững. Dựa trên những kết quả này, Sở Khoa học và Công nghệ Trà Vinh tin rằng có thể cùng phối kết hợp với các nhà khoa học của Viện Hàn lâm KHCNVN để tham mưu, định hướng tốt hơn trong lĩnh vực phát triển và đẩy mạnh hoạt động ứng dụng các giải pháp công nghệ, mô hình hiệu quả vào thực tiễn sản xuất.
Bên lề Hội thảo, cũng đã diễn ra hoạt động trưng bày và giới thiệu sản phẩm nghiên cứu, sản phẩm đã thương mại hóa của Viện Hàn lâm, trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, sản xuất hữu cơ. Đại biểu đến dự ngoài việc tham quan sản phẩm/công nghệ còn được các chuyên gia tư vấn trực tiếp và giải đáp các câu hỏi cũng như khúc mắc của đại biểu cả về chuyên môn khoa học lẫn thực tế sản xuất.
Phạm Phượng, Ban ứng dụng và Triển khai công nghệ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét